Chứng minh nhân dân của bà Mỹ cũng bị giả mạo?

Liên quan đến việc bà Nguyễn Thị Mỹ (SN 1990; trú tại 1051/4C Hậu Giang, phường 11, quận 6, TP HCM) bị giả mạo chữ ký, dấu vân tay trong hợp đồng đặt cọc có trị giá 11 tỷ đồng, dù tài sản đang được bà Mỹ thế chấp tại Vietcombank Tân Bình.

Ngày 26/6, phóng viên liên hệ với ông Đỗ Hà Hồng, Trưởng Phòng Công chứng số 7, nơi chứng nhận hợp đồng đặt cọc trên để đăng ký lịch làm việc và được ông Hồng hẹn làm việc vào đầu giờ chiều mai, tức chiều 27/6.

Phóng viên đề nghị gửi nội dung cần trao đổi để ông Hồng có sự chuẩn bị và được ông Hồng đồng ý. Gồm những nội dung sau:

1. Theo trình bày của bà Mỹ và tài liệu chúng tôi có được, hợp đồng đặt cọc trên được chứng nhận bởi Công chứng viên Nguyễn Hồ Phương Nhân của Phòng Công chứng số 7, vậy, quý Phòng Công chứng số 7 cho biết ai là người thiết lập, nơi thiết lập hợp đồng này hay không? 2. Trong trường hợp hợp đồng đặt cọc đó không được thiết lập tại Phòng Công chứng số 7, thì công chứng viên tiếp nhận hợp đồng đặt cọc từ ai, trên hợp đồng đặt cọc đã có chữ ký, dấu vân tay của bà Mỹ hay chưa? 3. Trong hồ sơ cùng hợp đồng công chứng, có bản chính sổ hồng hay không? 4. Ngày 19/10/2021, đại diện Vietcombank Tân Bình có Văn bản số 1233/TB-TBN-KHBL về việc đồng ý cho đặt cọc mua bán tài sản gửi Quý Phòng công chứng, vậy bên phía Phòng Công chứng số 7 ai là người ký gửi văn bản đề nghị Vietcombank Chi nhánh Tân Bình đồng ý cho đặt cọc mua bán tài sản đối với tài sản trên của bà Mỹ? 5. Quy trình tiếp nhận hồ sơ, chứng nhận, xác thực tại Phòng Công chứng số 7 diễn ra như thế nào? Tại sao không có mặt bà Mỹ mà vẫn tiến hành các thủ tục tư pháp trên? Sau khi xảy ra sự vụ trên, Quý cơ quan đã tiến hành xử lý, và sẽ xử lý vụ việc như thế nào? Tuy nhiên, sáng hôm sau, tức sáng ngày 27/6, ông Hồng gọi điện lại cho phóng viên, nói rằng Thanh tra Sở Tư pháp TP HCM và công an đang vào cuộc điều tra nên cung cấp thông tin cho phóng viên sẽ “vướng Điều 38 Luật Báo chí”, “vi phạm Điều 38 Luật Báo chí”.

Ông Hồng cũng cho biết, công an đang làm quyết liệt, sẽ làm rốt ráo vụ này.

Về việc ông Hồng chưa cung cấp thông tin cho báo chí vì “vướng” hay “vi phạm Điều 38 Luật Báo chí”, có lẽ ông Hồng không nhớ kỹ. Bởi lẽ Điều 38 Luật Báo chí quy định 4 trường hợp mà cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, chứ không phải là không được cung cấp thông tin cho báo chí.

Bà Nguyễn Thị Mỹ.

Luật sư Võ Quang Vinh, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng sự việc xảy ra tại Phòng Công chứng số 7 và đang có nhiều thông tin xung quanh, nên lãnh đạo phòng công chứng này nên có thông tin rõ ràng cho báo chí để tránh những thông tin suy diễn, không đúng bản chất sự việc.

“Việc này hoàn toàn phù hợp với các quy định của Luật Báo chí. Bởi Điều 38 Luật Báo chí quy định là có quyền từ chối chứ không phải thông tin cho báo chí khi vụ việc đang được cơ quan công an điều tra”, luật sư Vinh nhận định. Mới đây, khi trao đổi thêm với phóng viên, bà Mỹ cho biết vào thời gian diễn ra sự việc Phòng Công chứng số 7 chứng nhận hợp đồng đặt cọc mà bà bị giả mạo chữ ký, dấu vân tay, thì còn có một chi tiết khác: Đó là giấy chứng minh nhân dân của bà Mỹ vẫn do bà giữ, bà Mỹ không đưa cho ai. Như vậy có người làm giả giấy chứng minh nhân, hoặc sử dụng bản photo chứng minh nhân dân của bà Mỹ để làm hợp đồng. Và không hiểu sao lại “lọt” cửa phòng công chứng!

Phóng viên cũng đã liên hệ với ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng Phòng Công chứng số 7 (ông Thắng làm việc tại đây trong giai đoạn từ ngày 30/12/2014 đến 1/6/2023) để trao đổi thêm thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng nói rằng mình đã không còn làm ở Phòng Công chứng số 7.

Nhiều luật sư khi được phóng viên hỏi, đều nói rằng sự việc xảy ra trong thời gian ông Thắng còn làm Trưởng Phòng Công chứng số 7, nên ông Thắng cũng phải chịu trách nhiệm đối với sự việc này, ít nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Bị giả mạo chữ ký, dấu vân tay trên hợp đồng đặt cọc

Như báo Tri thức và Cuộc sống đã thông tin, bà Mỹ là chủ sở hữu của bất động sản (nhà đất) tại 1051/4C Hậu Giang, phường 11, quận 6, TP HCM). Tài sản này được bà Mỹ thế chấp tại Vietcombank Tân Bình thông qua 2 hợp đồng tín dụng là Hợp đồng số 532/TBN-KTN/19DH ngày 30/12/2019 và số 024/TBN-KTN/22HD ngày 26/1/2022, dư nợ tín dụng là 13.517.240.000 đồng. Giá trị tài sản thế chấp được Vietcombank Tân Bình định giá là 22 tỷ đồng.

Ngày 13/9/2023, bà Mỹ bất ngờ phát hiện: Ngày 22/11/2021, Công chứng viên Nguyễn Hồ Phương Nhân của Phòng Công chứng số 7 đã ký chứng nhận Hợp đồng đặt cọc số công chứng 13704, quyển số 11/2021 TP/CC-SCC/HĐGD với những nội dung sau:

“Bên đặt cọc (Bên A): Ông Nguyễn Hoàng Lam Đô (sinh năm 1992, căn cước công dân số 079.092.002.241, cư trú 135/17/11 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM đặt cọc cho Bên nhận đặt cọc (Bên B): Bà Nguyễn Thị Mỹ (sinh năm 1990, chứng minh nhân dân số 205577541, cư trú: Đàn Thượng, Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam) số tiền là 11.000.000.000 (mười một tỷ) đồng Việt Nam và bên A giao số tiền đặt cọc này cho bên B ngay khi ký hợp đồng này. Mục đích và thời hạn đặt cọc: Để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại địa chỉ 1051/4C Hậu Giang, phường 11, quận 6, TP HCM, sẽ ký giữa hai bên kể từ thời điểm hai bên ký hợp đồng này cho đến chậm nhất vào ngày 31/12/2021 với giá mua bán, chuyển nhượng là 25.000.000.000 (hai mươi lăm tỷ) đồng Việt Nam”.

Bà Mỹ cho biết, bà không hề ký hợp đồng đặt cọc trên.

Chữ ký, dấu vân tay của bà Mỹ trên hợp đồng đặt cọc sau đó được Cơ quan CSĐT công an Quận 6 xác định không phải của bà Mỹ.

Điều này đồng nghĩa với việc bà Mỹ bị giả mạo chữ ký, dấu vân tay trong hợp đồng đặt cọc có số công chứng 13704, quyển số 11/2021 TP/CC-SCC/HĐGD tại Phòng Công chứng số 7.

Phòng Công chứng số 7. (Ảnh: Internet)

Sự việc cũng có liên quan đến Vietcombank Tân Bình, bởi lẽ ngân hàng này có văn bản đồng ý cho phòng công chứng tiến hành các thủ tục ký hợp đồng đặt cọc mua bán.

Đó là Văn bản số 1233/TB-TBN-KHBL, được ký ngày 19/10/2021, bởi người có tên Nguyễn Hữu Thắng nhưng không ghi rõ chức vụ. Có nội dung: “theo đề nghị của bà Nguyễn Thị Mỹ, ngân hàng chúng tôi đồng ý cho ông/bà được tiến hành các thủ tục ký hợp đồng đặt cọc mua bán tài sản trên”.

Nhưng trả lời báo chí, ông Nguyễn Tuấn Sơn, Giám đốc Vietcombank Tân Bình, lại nói “việc này thực hiện theo đề nghị của ông Phan Hùng Cường”.

Ông Cường là người được bà Mỹ ủy quyền toàn quyền các giao dịch liên quan đến căn nhà do bà đứng tên và đang thế chấp tại Vietcombank Tân Bình.

Tuy nhiên, khoảng 1 năm trước đó, giấy ủy quyền trên đã được hủy vào tháng 10/2020. Và Vietcombank Tân Bình lại dựa vào bản… photo của giấy ủy quyền đó để có văn bản đồng ý cho Văn phòng Công chứng số 7 cho phép thực hiện hợp đồng đặt cọc mua bán nhà của bà Mỹ.

Bà Mỹ cho biết, bà chưa từng có lời đề nghị nào gửi đến Vietcombank Tân Bình về việc đồng ý cho bà tiến hành các thủ tục ký hợp đồng đặt cọc đối với tài sản bà đang thế chấp tại ngân hàng này.